Tăng hiệu quả tuốt gai xanh, nâng cao chất lượng sợi

Mục tiêu hỗ trợ nông dân cơ giới hóa, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm chế biến trong sản xuất nông nghiệp, trong tháng 10 năm 2022, Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ (NIPTECH) tổ chức chuyến khảo sát tại vùng nguyên liệu cây gai xanh và làm việc với Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước tại huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá.

Thành phần đoàn công tác có TS. Đỗ Đức Nam – Phó Viện trưởng, tham gia cùng đoàn công tác có PGS. TS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Dệt may- Da giầy và Thời trang, Đại học Bách Khoa Hà Nội và các cán bộ thuộc Trung tâm Mô phỏng công nghệ và Phát triển sản phẩm.

Tiềm năng và chiến lược phát triển cây gai xanh trong ngành dệt may

Ông Đỗ Đức Nam trao đổi về chất lượng sợi gai xanh được tuốt với cán bộ quản lý sản xuất Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước
Ông Đỗ Đức Nam trao đổi về chất lượng sợi gai xanh được tuốt với cán bộ quản lý sản xuất Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước

Với đặc điểm vỏ cây bền, dễ nhuộm màu, và khả năng kháng khuẩn, gai xanh đang trở thành nguồn nguyên liệu phổ biến trong ngành dệt may. Ngoài vỏ cây gai, các phụ phẩm khác như lá và lõi cũng có nhiều ứng dụng, từ thức ăn cho gia súc đến nguyên liệu cho thực phẩm chức năng.

Với khả năng thu hoạch hàng năm từ 4 đến 5 vụ và vòng đời 10 năm, cây gai xanh có tiềm năng phục vụ ngành dệt trong thời gian dài. Theo kế hoạch quy hoạch đến năm 2030, diện tích trồng cây gai xanh trên toàn quốc sẽ đạt hơn 20 nghìn ha. Các tỉnh thành như Điện Biên, Sơn La, Phú Thọ, Hoà Bình và nhiều nơi khác sẽ tập trung vào việc mở rộng diện tích trồng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu của ngành dệt may.

Tạo điều kiện hỗ trợ máy móc và công nghệ

Khai thác đất đồi dốc và khu vực ven triền núi, nhiều hộ dân ở xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thuỷ, tỉnh Thanh Hoá phối hợp với Công ty CP Nông nghiệp An Phước đã chuyển đổi cây trồng thành cây gai xanh trên các triền đất dốc ở các xã Cẩm Tú, Cẩm Lương, Cẩm Thành, Cẩm Thạch. Đồng thời, công ty cung ứng cây giống, vật tư theo hình thức trừ dần trong 5 năm đầu và ký hợp đồng thu mua toàn bộ sản phẩm. Với diện tích trồng 2 ha cây gai xanh, mỗi năm thu hoạch 4 – 5 lứa, sản lượng đạt 1,4 tấn vỏ khô/lứa, thu nhập có thể đạt hơn 200 triệu đồng/năm.

Cây gai xanh được trồng trên những triền núi dốc
Cây gai xanh được trồng trên những triền núi dốc

Để cung cấp một lượng lớn vỏ cây gai cho nhà máy sản xuất sơ sợi của Tập đoàn An Phước, việc bóc vỏ cây gai bằng phương pháp thủ công sẽ vô cùng khó khăn và gặp nhiều bất cập, tốn nhiều thời gian và nhân công, năng suất lao động thấp, chất lượng sợi gai được tuốt không đồng đều. Hiện nay, người dân tại huyện Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá đang được Công ty CP Nông nghiệp An Phước và Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước hỗ trợ công nghệ, máy móc tuốt sợi gai, giúp tăng năng suất và chất lượng sơ sợi.

Máy tuốt gai đang được sử dụng phổ biến

Máy tuốt gai hiện nay sử dụng ở Cẩm Thuỷ và Công ty CP An Phước có hai lô cuốn. Khi vận hành, cây gai được đưa vào cửa nạp liệu và hai lô cuốn sẽ đánh dập và tách vỏ và lõi. Tuy nhiên, để đảm bảo sợi gai tuốt sạch, người tuốt phải thực hiện nhiều bước thủ công khác nhau.

Mặc dù đã có những cải tiến như điều chỉnh khe hở giữa các đỉnh dao cắt và sử dụng vật liệu chế tạo dao tốt hơn, nhưng các máy cỡ nhỏ không đáp ứng được quy mô và công suất của nhà máy sản xuất sợi gai. Điều này gây ra thách thức đối với việc thu hoạch và tuốt cây gai, đồng thời khiến cho diện tích trồng cây gai xanh không thể mở rộng một cách hiệu quả.

Chế biến cây gai thành sợi gai cần nhiều công đoạn, trong đó công đoạn sơ chế tuốt sợi ban đầu từ cây gai xanh đòi hỏi nhiều nhân công và thời gian, trong khi máy móc sử dụng hiện tại để tuốt chưa đáp ứng được công suất, đây cũng là nguyên nhân khiến tốc độ phát triển mở rộng diện tích trồng cây gai xanh bị hạn chế lại.

Nâng cao năng suất với dòng máy tuốt gai khác với năm lô cuốn

Để giải quyết bài toán tăng năng suất, một dòng máy tuốt gai khác với năm lô cuốn được Công ty An Phước nhập khẩu từ nước ngoài, máy có thể cải thiện vấn đề năng suất tuy nhiên khi sử dụng để tuốt cây gai xanh (loại AP1) thì chất lượng sợi gai lại không đảm bảo, do đó chưa thể đưa vào phổ biến sử dụng đại trà.

Máy tuốt gai nhập khẩu với nhiều lô cuốn hiện vẫn chưa hiệu quả
Máy tuốt gai nhập khẩu với nhiều lô cuốn hiện vẫn chưa hiệu quả
Sản phẩm của máy tuốt mới nhập khẩu nhiều lô cuốn chưa đáp ứng được chất lượng (bên phải)
Sản phẩm của máy tuốt mới nhập khẩu nhiều lô cuốn chưa đáp ứng được chất lượng (bên phải)

Cải tiến máy tuốt gai xanh: Nâng cao năng suất và chất lượng cho ngành dệt may

Với sự phát triển đáng kể của ngành trồng cây gai xanh, việc sử dụng máy móc chế biến là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu sản xuất của cả người dân và nhà máy sợi An Phước. Tuy nhiên, việc đảm bảo chất lượng sản phẩm sợi gai tuốt vẫn là mối quan tâm hàng đầu.

Ông Trần Văn Tuấn, giám đốc Nhà máy sản xuất sợi gai An Phước, đã chia sẻ mong muốn cải tiến các thiết bị máy móc tuốt sợi gai xanh. Mục tiêu là hỗ trợ người nông dân ở Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá và các vùng nguyên liệu cây gai xanh khác trên toàn quốc, nhằm tăng năng suất và chất lượng sản phẩm để đáp ứng nguyên liệu cho nhà máy.

Viện Nghiên cứu Sáng chế và Khai thác Công nghệ đã tiến hành nghiên cứu các sáng chế và công nghệ nước ngoài liên quan đến máy tuốt sợi gai xanh. Kết quả cho thấy nhiều sáng chế mô tả phương pháp và thiết bị tách tơ sợi với thông tin kỹ thuật và công nghệ chi tiết. Dựa trên nghiên cứu này, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp kỹ thuật và công nghệ để cải tiến máy tuốt gai, bao gồm:

– Tự động hoá đưa nguyên liệu đầu vào và lấy sản phẩm đầu ra

– Mô đun hoá thiết bị tạo thuận lợi cho việc tháo lắp, phù hợp di chuyển trên đường đồi, dốc của vùng nguyên liệu.

– Cải tiến cấu trúc hệ lô tuốt và dao tuốt.

– Tăng năng suất và chất lượng sản phẩm sợi gai tuốt so với máy hiện tại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *