Theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình, so với một số tỉnh phía Bắc, cây gai xanh AP1 có mặt trên đồng đất ở tỉnh Hòa Bình muộn hơn nhưng được triển khai một cách khoa học, chặt chẽ, có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, cơ quan chuyên môn các cấp.
Từ tháng 4/2021, cây gai xanh AP1 được triển khai trồng tại một số xã của huyện Đà Bắc, Kim Bôi, đến hết thời vụ trồng (tháng 10/2021) tổng diện tích được trên 50 ha. Đến tháng 4/2022, diện tích trồng được khoảng 160 ha, những diện tích trồng từ năm 2021 đã cho thu hoạch lứa đầu của năm 2022. Như vậy, tính đủ 12 tháng từ khi trồng, cây gai xanh AP1 cho thu hoạch 4 lứa, sản lượng bình quân 2,6 – 2,8 tấn/ha, thu nhập 100 – 110 triệu/ha/năm; vườn tốt đạt 3,3 – 3,5 tấn/ha, thu nhập 130 – 140 triệu/ha/năm. Số liệu này chưa phản ánh hết tiềm năng năng suất của cây gai xanh, nhưng so với cây ngô, cây sắn trên cùng địa bàn, người trồng gai xanh có thu nhập cao hơn 2,5 – 4 lần.
Chất lượng giống cây tốt, ít cây bị chết, hầu như không phải trồng dặm dù hầu hết diện tích trồng đều nhờ nước trời. Qua theo dõi đến nay rất ít bị sâu bệnh hại, ngoại trừ loại bướm giáp vàng (Pareba vesta Hubner, 1919.) có thể phát sinh mật độ cao gây trụi lá, cụt ngọn, cần chú ý phòng trừ nếu đợt phát sinh sâu non trùng thời điểm lứa gai còn non. Ngoài ra, với tốc độ phát triển nhanh, ruộng gai xanh hầu như không cần làm cỏ, ngoại trừ lứa gai đầu tiên trong năm.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã sớm có chủ trương trong việc phát triển cây gai xanh tại tỉnh Hòa Bình. Trong đó, đến năm 2023 trồng khoảng 1.500 ha, tập trung tại 4 huyện: Đà Bắc, Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy và ưu tiên trồng để chuyển đổi diện tích sắn bị bệnh khảm lá. Đồng thời, tỉnh đã phê duyệt đề tài khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện quy trình canh tác cây gai xanh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và tập quán canh tác của người dân địa phương. Việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ sản phẩm gai xanh được tổ chức chặt chẽ, có sự vào cuộc kịp thời, tích cực của cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở.
Trong 2 năm 2022 – 2023, quy mô diện tích trồng gai xanh ở Hòa Bình tuân thủ theo định hướng của Ủy ban nhân dân tỉnh. Đồng thời sớm triển khai, hoàn thiện đề tài khoa học “Ứng dụng khoa học công nghệ hoàn thiện quy trình trồng thâm canh, chế biến và phát triển cây gai xanh AP1 tại tỉnh Hòa Bình”. Trên cơ sở đánh giá diện tích trồng thử nghiệm cùng với kết quả nghiên cứu của đề tài để đề xuất, trình phê duyệt Đề án Phát triển cây gai xanh bền vững ở tỉnh Hòa Bình.
Nghiên cứu và có giải pháp đối với phần phụ phẩm (lõi, cành, lá) khi vùng nguyên liệu được mở rộng: Vì ngoài phần sợi gai còn một lượng lớn phụ phẩm (chiếm khoảng 80%) được để lại trên đồng ruộng là nguồn nguyên liệu có thể tận dụng để làm thức ăn chăn nuôi, giá thể làm nấm, chế biến thành phân bón hữu cơ rất hiệu quả. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi tính thích ứng, sâu bệnh hại; đồng thời hoàn thiện quy trình canh tác; quy trình chế biến các sản phẩm phụ từ cây gai xanh AP1 trên địa bàn tỉnh.