Ngày 10/11/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 2 năm trồng thử nghiệm cây gai xanh trên địa bàn. Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan cùng đông đảo bà con nông dân trực tiếp tham gia mô hình.
Tiềm năng và thách thức phát triển
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh, đến hết tháng 10/2022, tổng diện tích cây gai xanh trên địa bàn tỉnh đạt 259,9ha, với 435 hộ gia đình tham gia trồng, phân bổ trên địa bàn 6 huyện và thành phố: Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc, thành phố Hòa Bình.
Hiện có 3 doanh nghiệp, hợp tác xã là đối tác của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước trong phát triển vùng nguyên liệu gai xanh trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch năm 2023 Công ty và đối tác tiếp tục triển khai liên kết trồng mới với quy mô khoảng 300ha.
Theo đánh giá ban đầu về tình hình trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh cho thấy cây sinh trưởng, phát triển tốt và khá đồng đều tại các địa phương, giá trị thu nhập từ 120-145 triệu đồng/ha/năm. Giá trị thu hoạch này cho thu nhập cao hơn từ 2,5-4 lần so với trồng cây ngô, cây sắn trên cùng địa bàn.
Sản phẩm của cây gai xanh được liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất với doanh nghiệp, Hợp tác xã nên bảo đảm đầu ra, giá ổn định, giúp người dân yên tâm phát triển sản xuất.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư ban đầu trồng loại cây này khá cao gồm chi phí giống, phân bón, công chăm sóc, máy tuốt vỏ trên 40 triệu đồng/ha. Cây gai xanh cần đầu tư và thâm canh cao để cho năng suất tối ưu.
Chiến lược phát triển bền vững cây gai xanh tại Hòa Bình
Tại hội nghị, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh nhấn mạnh, sau 2 năm triển khai, bước đầu cây gai xanh đã trụ được trên địa bàn tỉnh. Một số hộ dân đã có bước thay đổi và có thu nhập cao hơn so với trước đây. Kết quả đó là do sự phối hợp của chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và người dân.
Để phát triển loại cây này trong thời gian tới, các huyện, thành phố tiếp tục nghiên cứu bổ sung loại cây này vào cơ cấu cây trồng địa phương; mở rộng diện tích cây gai xanh tại những vùng phù hợp theo hướng trồng tập trung, không nhỏ lẻ phân tán và không xâm lấn vào các vùng đã quy hoạch cây trồng chủ lực khác. Tập trung vào các loại đất năng suất kém sang trồng cây gai xanh. Lồng ghép kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ cây giống, kỹ thuật, máy móc phát triển loại cây này một cách phù hợp.
Nguồn: Báo Nhân dân