Hợp tác xã kinh doanh bằng nghề trồng cây gai xanh
Gai xanh là cây bản địa của Việt Nam, đã được nhân dân sử dụng làm đồ may mặc từ lâu đời. Cây gai xanh chủ yếu được chế tạo thành bông sợi cao cấp phục vụ ngành dệt, may. Nhận thấy tiềm năng này, hơn 2 năm qua, cây gai xanh đã được trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Phát triển theo chuỗi giá trị, HTX đóng vai trò ‘hạt nhân’
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, đến hết tháng 10/2022, tổng diện tích trồng cây gai xanh trên địa bàn toàn tỉnh đạt 259,9 ha, với sự tham gia trồng của 435 hộ trên địa bàn 6 huyện, thành phố (Đà Bắc, Lạc Sơn, Kim Bôi, Mai Châu, Tân Lạc, thành phố Hoà Bình).
Dự kiến kế hoạch năm 2023, doanh nghiệp thu mua, HTX và các đối tác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục liên kết trồng mới với quy mô khoảng 300 ha cây gai xanh.
Theo đánh giá ban đầu của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình về tình hình trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh, cây sinh trưởng, phát triển tốt và khá đồng đều tại các địa phương. Đối với cây trồng mới, năng suất vỏ gai khô thu hoạch năm đầu tiên đạt từ 1,1 -2,1 tấn vỏ/ha, giá trị thu nhập đạt từ 45-85 triệu đồng/ha/năm. Đối với cây trồng lưu gốc, cho năng suất thu hoạch từ 3- 3,6 tấn vỏ gai khô/ha/năm, giá trị thu nhập từ 120 – 145 triệu đồng/ha/năm. Giá trị thu hoạch này cho thu nhập cao hơn từ 2,5-4 lần so với trồng cây ngô, cây sắn trên cùng địa bàn.
Đáng chú ý, việc trồng cây gai xanh được phát triển theo mô hình chuỗi giá trị, trong đó HTX đóng vai trò là “hạt nhân” trong chuỗi liên kết. Một trong những HTX tiên phong trong phát triển cây gai xanh ở Hòa Bình là HTX Chiềng Rồng, xã Quyết Thắng (Lạc Sơn).
Khởi nghiệp với Hợp tác xã trồng gai xanh
Nhiều năm gắn bó với cây lúa, ngô, khoai… nhưng không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với sự chịu khó tìm tòi, học hỏi và nhận thấy tiềm năng phát triển của cây gai xanh, anh Quách Phiến ở xã Quyết Thắng (Lạc Sơn – Hòa Bình) đã quyết tâm thành lập HTX Chiềng Rồng vào năm đầu 2022.
Giám đốc Quách Phiến chia sẻ: Gai xanh là loại cây dễ chăm sóc, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch trong nhiều năm, khả năng chịu hạn tốt, ưa khí hậu nóng ẩm. Tùy vào điều kiện thời tiết, khí hậu để bố trí mùa vụ trồng thích hợp. Một năm có thể thu hoạch từ 4 – 6 vụ. Nếu chăm sóc tốt trung bình khoảng 45 ngày có thể thu hoạch.
HTX Chiềng Rồng có 19 hộ tham gia đóng góp về vốn và đất trồng hơn 22ha. HTX ký hợp đồng liên kết với Công ty CP An Phước, công ty hỗ trợ cho các chủ hộ 75% tiền giống, cam kết bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm. Bên cạnh đó, công ty cử kỹ thuật viên phối hợp HTX hướng dẫn người dân chăm sóc cây từ khi bắt đầu trồng đến hết quá trình thu hoạch theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”.
Hơn nữa, gai xanh còn là loại cây có giá trị kinh tế cao, bởi có thể tận dụng tất cả bộ phận của cây để làm ra sản phẩm như: vỏ cây dùng để sản xuất sợi, dệt vải; lá cây có thể chế biến bánh gai và chiết xuất tinh dầu; thân cây được dùng làm nguyên liệu sản xuất giấy…
Sau hơn 1 năm chăm sóc, cây gai xanh của HTX Chiềng Rồng bắt đầu cho thu hoạch, 1ha cho sản lượng hơn 1 tấn, từ năm thứ 2 trở đi sản lượng có thể đạt 3 – 4 tấn/ha. Mỗi tấn gai xanh thu hoạch được công ty thu mua 40 triệu đồng. Lợi nhuận sản xuất sau khi trừ hết chi phí đạt khoảng 150 triệu đồng/hộ/năm. So với trồng lúa, ngô, khoai thì gai xanh cho lợi nhuận cao gấp 2 – 4 lần, giúp cải thiện thu nhập đáng kể cho người dân.
Mở rộng diện tích tập trung, không phát triển manh mún nhỏ lẻ
Anh Phiến cho biết: HTX được Đảng ủy, UBND, Hội Nông dân xã quan tâm, giúp đỡ nhiều. Tuy nhiên, vì mới thành lập nên còn gặp khó khăn như nguồn chi phí ban đầu chưa ổn định, thành viên đông nhưng chưa có chuyên môn, chưa được đào tạo bài bản, chuyên sâu. Quan trọng hơn, gai xanh là loại cây mới trong khu vực nên bà con còn nhiều bỡ ngỡ, đang phân vân, chưa tin tưởng loại cây mới này.
Thời gian tới, HTX dự định mở rộng diện tích lên hơn 50ha trồng gai xanh, kết hợp trồng dổi ghép lấy hạt và mía xuất khẩu, do đó mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm, hỗ trợ trong việc tuyên truyền, vận động để người dân thêm vững tin vào phát triển loại cây mới này, từ đó nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.